Khai thác khoáng sản là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam. Tổ chức, cá nhân xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản phải đáp ứng được các nguyên tắc, điều kiện cấp giấy phép và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Tương tự, khi muốn chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản từ một tổ chức, cá nhân này sang tổ chức, cá nhân khác thì phải đáp ứng được các điều kiện luật định về chủ thể chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng như sau:
I. ĐIỀU KIỆN CỦA CHỦ THỂ NHẬN CHUYỂN NHƯỢNG
Căn cứ Điều 51, Điều 66 Luật Khoáng sản 2010 và Điều 37 Nghị định 158/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện của tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản như sau:
Thứ nhất, tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản phải được thành lập theo Luật doanh nghiệp.
Thứ hai, tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền khai thác có vốn chủ sở hữu ít nhất bằng 30% tổng số vốn đầu tư của dự án đầu tư khai thác khoáng sản.
Thứ ba, việc chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép khai thác khoáng sản chấp thuận; trường hợp được chấp thuận, tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản mới.
II. ĐIỀU KIỆN CỦA CHỦ THỂ CHUYỂN NHƯỢNG
Căn cứ theo quy định tại Điều 55, Điều 66 Luật khoáng sản 2010 và Điều 37 Nghị định 158/2016/NĐ-CP, chủ thể chuyển nhượng quyền khai thác cần có các điều kiện sau:
– Tính đến thời điểm chuyển nhượng, tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản đã hoàn thành công tác xây dựng cơ bản, đưa mỏ vào khai thác;
– Nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, lệ phí cấp Giấy phép khai thác khoáng sản, thuế, phí và thực hiện các nghĩa vụ về tài chính khác theo quy định của pháp luật;
– Bảo đảm tiến độ xây dựng cơ bản mỏ và hoạt động khai thác xác định trong dự án đầu tư khai thác khoáng sản, thiết kế mỏ;
– Đăng ký ngày bắt đầu xây dựng cơ bản mỏ, ngày bắt đầu khai thác với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép và thông báo cho Ủy ban nhân dân các cấp nơi có mỏ trước khi thực hiện;
– Khai thác tối đa khoáng sản chính, khoáng sản đi kèm; bảo vệ tài nguyên khoáng sản; thực hiện an toàn lao động, vệ sinh lao động và các biện pháp bảo vệ môi trường;
– Báo cáo kết quả khai thác khoáng sản cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
– Bồi thường thiệt hại do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra;
– Tại thời điểm chuyển nhượng không có tranh chấp về quyền và nghĩa vụ liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản;
– Tổ chức, cá nhân đề nghị chuyển nhượng đã nộp đủ hồ sơ cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ khi Giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực ít nhất là 90 ngày.
Trên đây là quan điểm pháp lý của chúng tôi về điều kiện của chủ thể trong việc chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản. Hãy liên hệ với chúng tôi nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào. BI LAW cam kết là nơi tư vấn pháp lý đáng tin cậy dành cho bạn.