Con dấu chữ ký và giá trị pháp lý

Luật doanh nghiệp 2020 quy định dấu bao gồm dấu được làm tại cơ sở khắc dấu hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. Doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp hiện nay được chủ động về vấn đề khắc con dấu chữ ký để thay thế cho việc ký trực tiếp lên văn bản nhằm tiết kiệm thời gian. Vậy, con dấu chữ ký có giá trị về mặt pháp lý hay không, Bi Law sẽ làm rõ vấn đề này giúp bạn.

I. KHÁI NIỆM CON DẤU CHỮ KÝ

Con dấu chữ ký có thể được hiểu là một loại con dấu của doanh nghiệp, con dấu chữ ký dùng để mô phỏng chữ ký thật của người ký, nhằm mục đích thay thế chữ ký trực tiếp của người ký và có tác dụng tiết kiệm thời gian, có thể sử dụng trong những trường hợp người ký không có mặt để ký trực tiếp vào văn bản.

II. GIÁ TRỊ PHÁP LÝ CỦA CON DẤU CHỮ KÝ

1. Đối với chứng từ kế toán

Căn cứ khoản 1 Điều 19 Luật Kế toán 2015 quy định: Chứng từ kế toán phải có đủ chữ ký theo chức danh quy định trên chứng từ. Chữ ký trên chứng từ kế toán phải được ký bằng loại mực không phai. Không được ký chứng từ kế toán bằng mực màu đỏ hoặc đóng dấu chữ ký khắc sẵn. Chữ ký trên chứng từ kế toán của một người phải thống nhất. Chữ ký trên chứng từ kế toán của người khiếm thị được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Như vậy, con dấu chữ ký không có giá trị pháp lý đối với các chứng từ kế toán.

2. Đối với các văn bản hành chính gửi đến các cơ quan có thẩm quyền:

Căn cứ khoản 8 Điều 3 Nghị định 30/2020/NĐ-CP về công tác văn thư quy định: “Bản gốc văn bản” là bản hoàn chỉnh về nội dung, thể thức văn bản, được người có thẩm quyền trực tiếp ký trên văn bản giấy hoặc ký số trên văn bản điện tử.

Như vậy, các cơ quan hành chính nhà nước chỉ công nhận các văn bản có chữ ký trực tiếp hoặc chữ ký số đã được đăng ký trên các văn bản điện tử, văn bản có chữ ký con dấu không được xem là bản gốc văn bản.

Từ đó có thể kết luận, con dấu chữ ký có thể được sử dụng trong các văn bản lưu hành nội bộ của doanh nghiệp, nhưng khi người sở hữu con dấu chữ ký muốn để người khác quản lý sử dụng con dấu của mình cần phải có văn bản uỷ quyền. Các văn bản gửi đến cơ quan nhà nước, các chứng từ kế toán không được sử dụng con dấu chữ ký theo phân tích nêu trên.

Trên đây là quan điểm pháp lý của chúng tôi về giá trị pháp lý của con dấu chữ ký. Hãy liên hệ với chúng tôi nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào. Bi Law cam kết là nơi tư vấn pháp lý đáng tin cậy dành cho bạn.

Liên hệ
Liên hệ
Liên hệ