Một số bất cập trong hoạt động môi giới thương mại tại Việt Nam

Hoạt động môi giới thương mại là quá trình giúp đỡ các bên tham gia thương mại tìm kiếm, đàm phán và thực hiện các giao dịch thương mại. Môi giới thương mại có vai trò quan trọng trong việc tạo ra giá trị cho các bên tham gia, tăng tính minh bạch và độ tin cậy, giảm chi phí và tối ưu hóa thời gian khi thực hiện cung cấp hàng hóa, dịch vụ của các bên. Tuy nhiên, hoạt động môi giới thương mại vẫn tồn tại một số bất cập. Sau đây, Công ty Luật BiLaw sẽ chia sẻ một số bất cập trong hoạt động môi giới thương mại và kiến nghị giải pháp. 

1. Thế nào là hoạt động môi giới thương mại? 

Theo Điều 150 Luật Thương mại 2005 quy định: Môi giới thương mại là hoạt động thương mại, theo đó một thương nhân làm trung gian (gọi là bên môi giới) cho các bên mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (gọi là bên được môi giới) trong việc đàm phán, giao kết hợp đồng mua bán hàng hoá, dịch vụ và được hưởng thù lao theo hợp đồng môi giới. Hoạt động môi giới thông thường sẽ có tồn tại của 3 bên, bao gồm: Bên môi giới, bên bán và bên mua.

Chủ thể thực hiện hoạt động môi giới thương mại phải là thương nhân. Thương nhân bao gồm: Cá nhân hoạt động thương mại, độc lập thường xuyên và có đăng ký kinh doanh hoặc  tổ chức kinh tế được thành lập một cách hợp pháp. Cá nhân và tổ chức không đáp ứng đủ điều kiện của thương nhân sẽ không được coi là bên môi giới trong hoạt động môi giới thương mại.

mot-so-bat-cap-trong-hoat-dong-moi-gioi-thuong-mai-tai-viet-nam

2. Một số bất cập trong hoạt động môi giới thương mại 

Hoạt động môi giới thương mại ngoài những lợi ích mà nó mang lại như tiếp kiệm thời gian của các bên được môi giới, dễ dàng tạo mối quan hệ đối tác làm ăn thông qua bên môi giới, thì hoạt động môi giới thương mại vẫn tồn tại một số bất cập như sau:

Thứ nhất, pháp luật chưa quy định về hình thức hợp đồng môi giới. Các hoạt động trung gian thương mại khác như đại diện cho thương nhân, ủy thác mua bán hàng hóa và đại lý thương mại đều được Luật Thương Mại 2005 quy định về hình thức của hợp đồng. Đối với hoạt động môi giới thương mại không quy định hình thức hợp đồng nhằm để tạo sự thuận lợi trong việc thực hiện dịch vụ môi giới nhanh chóng. Tuy nhiên, điều này tồn tại những rủi ro khi có tranh chấp về hoạt động môi giới xảy ra. Đối với các vụ án tranh chấp môi giới lớn như môi giới quyền sử dụng đất, môi giới chứng khoán, việc quy định về hình thức hợp đồng môi giới là vô cùng cần thiết. Vì khi hoạt động môi giới thương mại chỉ bằng lời nói và không có bất kì bằng chứng nào là mấu chốt.

Thứ hai, hoạt động môi giới thiếu đi sự minh bạch. Một số hoạt động môi giới thương mại có thể không đảm bảo tính minh bạch đầy đủ. Thông thường thì các hoạt động môi giới không được lập thành văn bản, nên dễ dẫn đến việc thiếu minh bạch và khả năng kiểm soát những thông tin mà bên môi giới cung cấp. Điều này có thể gây ra sự bất đồng và tranh chấp giữa các bên tham gia. Bởi vì thông tin mà các bên được môi giới biết chỉ thông qua bên môi giới, vì thế bên môi giới đôi khi sẽ cung cấp các thông tin không chính xác cho các bên, nhằm mục đích đàm phán thành công việc môi giới và hưởng thù lao. Vì vậy rất dễ dẫn đến tranh chấp, kiện tụng cho các bên trong hoạt động môi giới.

Thứ ba, xác định chế độ thanh toán và thù lao môi giới. Mặc dù Luật Thương mại 2005 có quy định về quyền hưởng thù lao môi giới tại Điều 153. Theo đó việc hưởng thù lao môi giới được xác định theo hợp đồng môi giới đã ký kết hoặc nếu không có thỏa thuận thì phải xác định mức thù lao dựa trên giá của các dịch vụ môi giới khác tương tự trong điều kiện tương tự, về phương thức cung ứng, thời điểm cung ứng và nhiều yếu tố khác. Trong trường hợp, các bên không thỏa thuận thời điểm tính thù lao môi giới phải thực hiện như thế nào, mức phí thù lao là bao nhiêu, Luật Thương mại 2005 quy định vấn đề này không rõ ràng. Chính vì thế Luật Thương mại cần phải quy định rõ hơn về vấn đề này. Nhằm mục đích hạn chế rủi ro, tranh cãi trong việc xác định giá môi giới và thời điểm bên môi giới nhận được thù lao

3. Kiến nghị giải pháp và hoàn thiện pháp luật trong hoạt động môi giới thương mại 

Nhằm mục đích đảm bảo quyền lợi của các bên trong hoạt động môi giới thương mại. Sau đây Công ty Luật Bilaw sẽ đưa ra một số giải pháp để khắc phục những hạn chế đã đề cập.

Thứ nhất, cần có một quy định về hình thức hợp đồng môi giới. Luật Thương Mại 2005 cần ghi nhận vấn đề này nhằm mục đích định hướng cho những hoạt động môi giới trong tương lai, rõ ràng và minh bạch hơn. Khi xác định được quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng môi giới cũng như trách nhiệm của các bên phải đảm nhận, nhằm hạn chế các rủi ro trong hoạt động môi giới. Việc quy định hợp đồng môi giới còn tạo cơ sở để tòa án giải quyết các tranh chấp về hoạt động môi giới có căn cứ pháp luật, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

Thứ hai, cần có một quy định cụ thể xác định chế độ thanh toán, thù lao môi giới. Quy định về thời điểm bên môi giới được nhận thù lao cần phải rõ ràng. Chẳng hạn như: Bên môi giới được nhận thù lao kể từ thời điểm các bên được môi giới tiến hành giao kết hợp đồng. Hoạt động môi giới thương mại chỉ có thể phổ biến và được sử dụng rộng rãi hơn khi có chế độ thanh toán thù lao rõ ràng và minh bạch. Việc xác định chế độ thù lao có thể căn cứ vào giá trị giao dịch mà các bên đạt được khi có bên môi giới hỗ trợ hoặc một giá trị cụ thể được quy định trong hợp đồng môi giới.

Trên đây là một số bất cập về hoạt động môi giới thương mại và kiến nghị giải pháp rất mong nhận được sự góp ý đến từ quý đọc giả. Liên hệ với Công ty Luật BiLaw của chúng tôi để được trao đổi chi tiết hơn.

Liên hệ
Liên hệ
Liên hệ