Hoạt động đại lý thương mại đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiếp thị và bán hàng của các doanh nghiệp. Các đại lý thương mại giúp doanh nghiệp tiếp cận được khách hàng và thị trường một cách hiệu quả hơn, đồng thời giúp cho các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, tối ưu hóa quy trình sản xuất và phân phối sản phẩm. Hoạt động đại lý thương mại được Luật Thương mại 2005 ghi nhận những điều, khoản cụ thể.
1. Cơ sở pháp lý về hoạt động đại lý thương mại
1.1 Khái niệm
Theo quy định tại Điều 166 Luật Thương mại 2005 quy định: Đại lý thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên giao đại lý và bên đại lý thỏa thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hóa cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao.
1.2. Đặc điểm của hoạt động đại lý thương mại
Thứ nhất, là hoạt động trung gian thương mại. Trong một mối quan hệ đại lý thương mại thông thường sẽ có sự tồn tại của ba bên, bao gồm: Bên đại lý, bên giao đại lý và khách hàng. Trong trường hợp này bên đại lý đóng vai trò là bên trung gian, mua, bán hàng hóa của bên giao đại lý đối với khách hàng. Bên đại lý sẽ được hưởng thù lao dựa trên hợp đồng đại lý đã ký kết với bên giao đại lý.
Thứ hai, bên đại lý và bên giao đại lý phải là thương nhân. Thương nhân bao gồm cá nhân hoạt động độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh hoặc tổ chức kinh tế được thành lập một cách hợp pháp. Nếu bên đại lý hay bên giao đại lý hoặc cả hai không phải là thương nhân thì đây không phải là hoạt động đại lý thương mại.
Thứ ba, đối tượng của hoạt động đại lý là hàng hóa, dịch vụ. Bên đại lý có thể là bên mua/bán hàng hóa hoặc là bên cung ứng dịch vụ theo ủy quyền của bên giao đại lý. Đây là điểm khác biệt so với hoạt động ủy thác mua bán hàng hóa.
2. Một số hình thức đại lý thương mại
Theo quy định Điều 169 Luật Thương mại 2005 quy định một số hình thức đại lý sau:
- Đại lý bao tiêu: Đây là hình thức đại lý mà bên đại lý thực hiện việc mua, bán trọn vẹn một khối lượng hàng hoá hoặc cung ứng đầy đủ một dịch vụ cho bên giao đại lý.
- Đại lý độc quyền: Đây là hình thức đại lý mà tại một khu vực địa lý nhất định bên giao đại lý chỉ giao cho một đại lý mua, bán một hoặc một số mặt hàng hoặc cung ứng một hoặc một số loại dịch vụ nhất định.
- Tổng đại lý mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ: Đây là hình thức đại lý mà bên đại lý tổ chức một hệ thống đại lý trực thuộc để thực hiện việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho bên giao đại lý. Tổng đại lý đại diện cho hệ thống đại lý trực thuộc. Các đại lý trực thuộc hoạt động dưới sự quản lý của tổng đại lý và với danh nghĩa của tổng đại lý.
3. Một số quy định pháp luật khác trong hoạt động đại lý thương mại
- Quyền sở hữu trong hoạt động đại lý thương mại thuộc về bên giao đại lý.
- Hợp đồng đại lý phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.
- Trong trường hợp các bên không thỏa thuận về thù lao đại lý, pháp luật có quy định về việc xác định thù lao
- Nếu các bên không có thỏa thuận, thời hạn đại lý chỉ chấm dứt sau một thời gian hợp lý nhưng không sớm hơn sáu mươi ngày, kể từ ngày một trong hai bên thông báo bằng văn bản cho bên kia về việc chấm dứt hợp đồng đại lý. Nếu bên giao đại lý thông báo chấm dứt hợp đồng đại lý thì bên đại lý có quyền yêu cầu bên giao đại lý bồi thường.
- Các bên được phép tự do thỏa thuận các điều khoản trong hợp đồng đại lý nhưng không được trái với các quy định trong Luật Thương mại 2005, Bộ Luật Dân sự 2015 và các văn bản pháp luật khác.
Trên đây là khái quát chung về hoạt động đại lý thương mại. Liên hệ với Công ty Luật BiLaw của chúng tôi để được trao đổi chi tiết hơn.