Hoạt động đấu giá hàng hóa có vai trò quan trọng trong việc xác định giá trị thực của hàng hóa và tạo ra sự cạnh tranh giữa những người tham gia đấu giá. Bên cạnh đó, đấu giá hàng hóa còn đảm bảo sự minh bạch và công bằng cho tất cả những người mua tham gia. Hoạt động đấu giá hàng hóa là một giao dịch mua, bán theo phương thức đặc biệt, nhằm mang lại lợi ích tối đa cho người bán. Sau đây, bilaw.vn sẽ trình bày khái quát chung về hoạt động đấu giá hàng hóa theo quy định pháp luật hiện hành.
1. Cơ sở lý luận về đấu giá hàng hóa
1.1 khái niệm
Theo khoản 1 Điều 185 Luật Thương mại 2005 quy định: Đấu giá hàng hoá là hoạt động thương mại, theo đó người bán hàng tự mình hoặc thuê người tổ chức đấu giá thực hiện việc bán hàng hoá công khai để chọn người mua trả giá cao nhất.
1.2 Đặc điểm
Thứ nhất, hoạt động đấu giá hàng hóa là hoạt động thương mại. Bản chất của hoạt động này là hoạt động mua, bán hàng hóa. Việc mua, bán hàng hóa của các bên đều nhằm mục đích sinh lợi. Mục đích sinh lợi không chỉ đơn giản là lợi nhuận mà còn là những lợi ích kinh tế, xã hội theo hướng tích cực. Vì thế, hoạt động đấu giá hàng hóa các bên luôn mong muốn tìm những lợi ích nhất định.
Thứ hai, hoạt động đấu giá hàng hóa phải có ít nhất một bên là thương nhân. Trong một quan hệ đấu giá, người tổ chức đấu giá bắt buộc phải là thương nhân. Thương nhân bao gồm cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh hoặc tổ chức được thành lập một cách hợp pháp. Nếu người tổ chức đấu giá không là thương nhân, thì hoạt động đấu giá không phải là hoạt động thương mại.
Thứ ba, hoạt động đấu giá hàng hóa có sự tồn tại song song hoạt động mua,bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ hoặc chỉ mua bán hàng hóa. Trong hoạt động đấu giá hàng hóa tùy theo đặc điểm chủ thể tham gia mà sẽ có bản chất khác nhau. Chẳng hạn, người tổ chức đấu giá là thương nhân kinh doanh dịch vụ đấu giá, thực hiện cung cấp dịch vụ đấu giá cho chủ sở hữu hàng hóa đến với người mua. Trong trường hợp này có sự tồn tại hai hoạt động bao gồm: Hoạt động cung ứng dịch vụ của thương nhân tổ chức đấu giá và hoạt động mua, bán hàng hóa giữa người mua và người bán. Đối với trường hợp chỉ là hoạt động mua bán hàng hóa thì người tổ chức đấu giá chính là chủ sở hữu hàng hóa hoặc người được chủ sở hữu hàng hóa ủy quyền.
2. Một số quy định pháp luật trong hoạt động đấu giá hàng hóa
2.1 phương thức đấu giá
Phương thức trả giá lên: Đây là phương thức bán đấu giá, theo đó người trả giá cao nhất so với giá khởi điểm là người có quyền mua hàng;
Phương thức đặt giá xuống: Đây là phương thức bán đấu giá, theo đó người đầu tiên chấp nhận ngay mức giá khởi điểm hoặc mức giá được hạ thấp hơn mức giá khởi điểm là người có quyền mua hàng.
2.2 Chủ thể trong hoạt động đấu giá
Người tổ chức đấu giá là thương nhân có đăng ký kinh doanh dịch vụ đấu giá hoặc là người bán hàng của mình trong trường hợp người bán hàng tự tổ chức đấu giá.
Người bán hàng là chủ sở hữu hàng hoá, người được chủ sở hữu hàng hoá uỷ quyền bán hoặc người có quyền bán hàng hoá của người khác theo quy định của pháp luật.
Người điều hành đấu giá là người tổ chức đấu giá hoặc người được người tổ chức đấu giá uỷ quyền điều hành bán đấu giá.
Người tham gia đấu giá hàng hoá là tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia cuộc đấu giá.
Lưu ý: Một số chủ thể không được tham gia đấu giá như: Người không có năng lực hành vi dân sự, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự hoặc người tại thời điểm đấu giá không nhận thức, làm chủ được hành vi của mình. Những người làm việc trong tổ chức bán đấu giá hàng hoá; cha, mẹ, vợ, chồng, con của những người đó. Người đã trực tiếp thực hiện việc giám định hàng hoá bán đấu giá; cha, mẹ, vợ, chồng, con của người đó và người không có quyền mua hàng hoá đấu giá theo quy định của pháp luật.
3. Những vấn đề quan trọng trong hoạt động đấu giá hàng hóa
Ngoài các nghĩa vụ thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ đấu giá, người tổ chức đấu giá còn có các nghĩa vụ theo quy định pháp luật.
Hợp đồng dịch vụ tổ chức đấu giá hàng hoá phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.
Hàng hoá được đấu giá là đối tượng cầm cố, thế chấp thì hợp đồng dịch vụ tổ chức đấu giá phải được sự đồng ý của bên nhận cầm cố, thế chấp và bên bán phải thông báo cho các bên tham gia đấu giá về hàng hóa đang bị cầm cố, thế chấp
Trong hợp đồng cầm cố, thế chấp có thỏa thuận về việc bán đấu giá mà người cầm cố, thế chấp vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc từ chối giao kết hợp đồng dịch vụ tổ chức đấu giá hàng hoá thì hợp đồng dịch vụ tổ chức đấu giá được giao kết giữa người nhận cầm cố, thế chấp với người tổ chức đấu giá.
Người tổ chức đấu giá có thể yêu cầu người tham gia đấu giá nộp một khoản tiền đặt trước, nhưng không quá 2% giá khởi điểm của hàng hoá được đấu giá. Số tiền này có thể được trừ vào tiền mua hàng nếu đấu giá thành hoặc được trả lại khi phiên đấu giá kết thúc.
Trong quá trình đấu giá nếu người tham gia đấu giá rút lại giá đã trả có thể phải bồi thường số tiền chênh lệch.
Người tham gia đấu giá nếu từ chối việc mua hàng sau khi buổi đấu giá kết thúc thì phải được sự đồng ý của chủ hàng hóa, tuy nhiên phải chịu mọi chi phí liên quan đến việc tổ chức bán đấu giá.
Trên đây là khái quát chung về hoạt động đấu giá hàng hóa. Liên hệ với Công ty Luật TNHH Bi Law của chúng tôi để được trao đổi chi tiết hơn.